Mục Lục
Đi lễ đầu năm từ lâu đã trở thành một nét đẹp tâm linh không thể thiếu của nhiều gia đình người Việt. Đây là dịp mỗi người tự nhìn lại mình suốt một năm cũ và cầu chúc sức khoẻ, bình an, công danh, tài lộc và cả tình duyên, … cho mình và cả gia đình, người thân trong năm mới. Đây cũng là dịp con người ta hướng về cõi tịnh, hướng về thiên nhiên, kỳ vọng những cảm giác thư thái tuyệt vời để mong cả một năm không lo toan, không muộn phiền, cho tâm hồn thanh thản.
Hiểu được những mong muốn này của du khách, Du lịch đồng quê hôm nay xin được giới thiệu tới mọi người kinh nghiệm du lịch Đền Bà Chúa Thác Bờ một địa chỉ tâm linh nổi tiếng gần Hà Nội và từng được người ta ví đến như Vịnh Hạ Long trên cạn, mang một nét đẹp hùng vĩ, nên thơ, ấn tượng.
Đôi nét về Đền Chúa Thác Bờ
Chúa Thác Bờ không thuộc Tứ Phủ Thánh Cô hay tứ Phủ Thánh Chầu nhưng được thờ phụng theo Tứ Phủ và là phần không tách rời của tục thờ Tứ Phủ. Đền Thác Bờ tuy không hoành tráng, đồ sộ như nhiều nơi khác nhưng vẫn rất uy nghi và nổi tiếng linh thiêng.
Tương truyền Thác Bờ xưa được tạo bởi hàng trăm mỏm đá lớn nhỏ nhấp nhô như đàn voi khổng lồ giữa dòng sông Đà. Theo truyền thuyết, đền thờ bà chúa Thác Bờ là Đinh Thị Vân – người Mường và một bà người Dao (không rõ tên) ở Vầy Nưa, có công giúp vua Lê Lợi về quân lương, thuyền mảng vượt thác Bờ tiến quân lên Mường Lễ, Sơn La dẹp loạn đảng Đèo Cát Hãn.
Sau khi mất, hai bà thường hiển linh giúp dân vượt thác an toàn, phù hộ cho trăm dân trong vùng mưa thuận, gió hòa. Là người cai quản cả một dọc Tây Bắc, ngược thượng lưu là các xứ Mường Hoà Bình, xứ Thái Sơn La Lai Châu…Bởi vậy, nhân dân trong vùng phong cả hai là Bà chúa Thác Bờ và lập đền thờ phụng.
Trước đây, đền thờ hai bà chúa được đặt ở vùng Hào Tráng. Khi thủy điện Hòa Bình được xây dựng, hai thủ nhang của đền và miếu đã phải nhiều lần di chuyển đền và miếu đến vị trí mới. Ngôi miếu sau này trở thành Đền Thung Nai (Thuộc huyện Cao Phong – Tỉnh Hòa Bình) còn ngôi đền cũ trở thành Đền Vầy Nưa (Thuộc huyện Đà Bắc – Tỉnh Hòa Bình). Hiện Đền Chúa Thác Bờ Vầy Nưa được chính thức công nhận là Di Tích Lịch sử bởi xuất phát từ ngôi đền cổ.
Đi lễ đền Chúa Thác Bờ vào thời điểm nào?
Lễ hội đền Chúa Thác Bờ khai hội chính là ngày mùng 7 tháng Giêng diễn ra đến hết tháng 3 âm lịch, nhưng ngay từ những ngày tháng Chạp đã có rất đông du khách thập phương đổ về đây làm lễ tạ bà chúa Thác Bờ đã phù hộ cho suốt một năm.
Tuy nhiên nếu có thời gian và muốn tránh sự đông đúc, tấp nập thì đi đền Chúa Thác Bờ vào những tháng mùa hè cũng là một thời gian rất lí tưởng bởi với địa hình sông nước, du khách đến đây sẽ tránh được cái nóng nực của mùa hè miền Bắc. Kết hợp tham quan, du lịch chiêm bái đền chúa Thác Bờ với du ngoạn sông Đà hùng vĩ và các địa điểm nổi tiếng ở Hòa Bình như Nhà máy Thủy Điện Hòa Bình, Mai Châu, khu du lịch suối khoáng nóng Kim Bôi …
Cách thức di chuyển
Địa chỉ của đền Chúa Thác Bờ tọa lạc ở tỉnh Hòa Bình. Từ Hà Nội, du khách vượt quãng đường khoảng hơn 100 km, có thể lực chọn di chuyển bằng phương tiện cá nhân như xe máy, xe ô tô hay xe khách, xe bus…
Hiện tại có ba cung đường đi từ Hà Nội đến Hòa Bình mà các bạn có thể lựa chọn như sau:
Cung đường thứ 1: Từ trung tâm Hà Nội các bạn đi đường Nguyễn Trãi – QL6 – đường Hòa Sơn – Nguyễn Văn Trỗi – đường Hồ Chí Minh – rẽ trái là Hòa Bình.
Cung đường thứ 2: Từ trung tâm Hà Nội – đi đường Đại lộ Thăng Long – rẽ vào QL21 – thị trấn Xuân Mai – qua huyện Lương Sơn – qua huyện Kỳ Sơn – Hòa Bình.
Cung đường thứ 3: Từ trung tâm Hà Nội – đi qua hầm chui Trung Hòa – đi ĐCT08 – đi vào đường Quốc Oai – rẽ tiếp vào đường ĐT419 – đi qua quốc lộ 6 – qua ATK – đi đường ĐT12B – Kim Bôi – Hòa Bình.
Nếu đi xe khách từ bến Mĩ Đình và Yên Nghĩa đều có khá nhiều xe về thành phố Hòa Bình với giá khoảng 50.000đ du khách có thể lựa chọn như: Xe Bình An chạy qua cả bến xe Mĩ Đình và bến xe Yên Nghĩa về TP Hòa Bình, 15 phút/lượt, chuyến cuối vào lúc 20h, SĐT: 02435543817.
Hoặc lựa chọn một tuyến xe bất kì chạy về các huyện của tỉnh Hòa Bình như: Mai Châu, Kim Bôi, Đà Bắc, Lạc Sơn, …. đều sẽ đi qua TP Hòa Bình.
Sau đó du khách di chuyển đến bến cảng Thung Nai thuê thuyền để di chuyển ra đền Thác Bờ thêm khoảng 30 phút. Đây chính là thời gian để chúng ta hòa mình vào thiên nhiên, sông nước viễn cảnh “Hạ Long trên cạn”.
Các điểm tham quan và lễ đền
Người đi lễ thường sẽ cầu nguyện ở đền Trình rồi lên đền Chúa, mỗi ngôi đền nằm trên một hòn đảo cách xa nhau khoảng gần 20 phút đi thuyền.(Khi thuê tàu du khách có thể trao đổi với lái tàu thường am hiểu rất rõ về các đền). Vừa đi lễ, vừa thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình tạo cảm giác bình yên đến lạ.
Điểm đến cuối cùng thường là Động Thác Bờ ở đây vào mùa nước cạn, du khách muốn thăm quan động phải leo bộ gần 100 bậc đá từ chân núi đến cửa động. Mùa nước dâng, du khách đi từ thuyền sang nhà nổi, trên một bè ghép bằng tre, bương chạy dài khoảng 50 m vào thẳng cửa động. Trong động được cấu tạo thành những khối thạch nhũ muôn hình vạn trạng cùng nhiều pho tượng phật đồ sộ.
Ngoài ra để cuộc hành trình thêm phong phú du khách còn có thể ghé những điểm tham quan gần đó như: đảo Cối Xay Gió, chợ nổi Thác Bờ,động Ngòi Hoa, bè nuôi cá lồng trên hồ… Tìm hiểu văn hóa, sinh hoạt, sản xuất, cuộc sống người dân địa phương như chèo thuyền, đánh bắt cá, nấu nướng, thưởng thức hương vị thơm ngon đặc biệt của các món ngon bản địa.
Các điểm nghỉ ngơi và ăn uống
Hiện nay ở đây có khá nhiều điểm dừng chân kết hợp phòng nghỉ và ăn uống cho du khách thường được xây dựng mang tính dân tộc địa phương nhưng vẫn đảm bảo tiện nghi du khách có thể tham khảo: Khách sạn Thung Nai, nhà nghỉ Cối Xay Gió, Đảo Dừa, Đảo Xanh Thung Nai, nhà nghỉ bản Giang Mỗ… .Đều được đánh giá là có giá thành hợp lý chất lượng các món ăn tuyệt vời với các nguyên liệu nuôi trồng tự nhiên, đặc sản Hòa Bình như cá nướng trui, lợn Mường, gà thả vườn, măng rừng tươi… Ngoài ra một số điểm còn tổ chức các buổi cắm trại, biểu diễn văn nghệ, cho thuê loa, đài… cho du khách có nhu cầu.
Ngoài ra nếu du khách chỉ đi trong ngày một phương án không tồi chính là dùng bữa trên tàu, vừa nhâm nhi các đặc sản vùng lòng hồ vừa thong dong trên mặt nước tự do tự tại.
Một số món ăn du khách đến đây sẽ nhất định phải nếm thử đó là:
Cá sông Đà
Đây là món cá tươi ngon rất nổi tiếng của vùng sông Đà. Trong đó phổ biến nhất là món cá sông Đà nướng, tùy sở thích và lượng người ăn du khách có thể lựa chọn các gặp cá nướng đủ loại được bày nướng ở dọc đường lên đền. Bằng mùi hương hấp dẫn, thịt cá chắc và ngọt đậm đà, quấn với lá sung hoặc lá lốt chấm tương ớt cũng đủ khiến nhiều du khách muốn ăn mãi.
Măng đắng
Với một số người không ăn được vị đắng ban đầu sẽ cảm thấy khó ăn nhưng đà phần mọi người sau khi ăn thử thậm chí còn nghiện cái vị đăng đắng, ngọt ngọt thu hút khó tả này. Nếu ở vùng đồng bằng có lẽ rất khó để được thưởng thức măng tươi ngon mới được hái như thế này nên nếu đã lên đến đây nhất định không thể bỏ qua món ngon này.
Rau đồ
Lại thêm một món ăn dân tộc tưởng khó ăn mà lại ngon khó cưỡng. Nguyên liệu là rất nhiều loại rau rừng khác nhau được bà con dân tộc trồng hái trên rừng ốt trong lá chuối đồ lên thành từng gói. Có thêm muối vừng lạc chấm ăn vị thơm bùi, rất tốt cho sức khỏe.
Thịt lợn Mường
Lợn được bà con nuôi thả rông nên thịt rất chắc, vị đậm, nhiều dinh dương, thường được bày trên lá chuối (cỗ lá). Các món ngon nhất với thịt lợn mường là lợn hấp, sườn quấn là bưởi nướng, canh xương lợn nấu cây chuối rừng, ….
Rượu men lá
Rượu làm bằng men lá tự nhiên, có thể được làm từ gạo hoặc ngô tùy du khách lựa chọn được bà con tự trưng cất dễ dàng làm say lòng người theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng nên du khách cũng nên lưu ý nhé.
Văn khấn đi lễ đền Chúa Thác Bờ
Cuối cùng để chuyến đi lễ đầu năm của chúng ta được thập toàn thập mĩ Du lịch đồng quê xin phép chia sẻ với du khách bài văn khấn hay được sử dụng khi đi lễ đền chúa Thác Bờ để du khách tham khảo và sử dụng.
Do bài văn khấn Đền Bà Chúa Thác Bờ khá dài nên dulichdongque.com xin chuyển qua một bài viết mới. Các bạn xem bài văn khấn chuẩn TẠI ĐÂY
Chúc các bạn có một hành trình ý nghĩa!