Mục Lục
Đi lễ cầu may đầu năm là một nét đẹp trong văn hoá truyền thống của người Việt. Đây không chỉ là dịp cầu mong cho gia đình và người thân một năm mới an lành và hạnh phúc mà du khách còn được tĩnh tâm khi về cửa Phật. Du lịch đồng quê xin giới thiệu những ngôi chùa, ngôi đền linh thiêng ở Hà Nội mà bạn nên tới ngày đầu năm.
Chùa Trấn Quốc
Chùa Trấn Quốc nằm trên một hòn đảo phía Nam của Hồ Tây, là một trong những danh thắng bậc nhất ở kinh thành Thăng Long đời nhà Lê, nay thuộc quận Ba Đình (Hà Nội). Nổi tiếng linh thiêng lại là danh thắng kinh kỳ, chùa Trấn Quốc xưa thường là nơi các vua chúa ngự giá đến vãng cảnh và cúng lễ vào những ngày rằm, lễ Tết. Còn ngày nay nơi đây lại càng tấp nập những du khách, phật tử đễn lễ chùa và cầu mong những điều may mắn sẽ đến với gia đình mình, đặc biệt trong dịp đầu xuân.
Chùa Trấn Quốc còn được bình chọn là một trong 16 ngôi chùa cổ đẹp nhất thế giới với lịch sử khoảng 1500 năm. Kiến trúc của chùa là sự kết hợp hài hòa giữa nét uy nghiêm cổ kính và cả sự nên thơ, nhã nhặn của vườn cây xanh tươi cùng hồ nước mênh mang đầy thơ tình.
Chính vì vậy, không chỉ thu hút mọi người với sự linh thiêng mà nhờ địa thế đẹp nên khi đến chùa Trấn Quốc, Quý Khách ngoài việc thành tâm lễ Phật còn được tận hưởng những cảm giác hết sức bình yên, thanh tĩnh khiến người ta buông bỏ hết sân si, hoà mình vào chốn thiền môn với cảnh sắc của một di tích lịch sử – văn hóa quốc gia giữa những phố phường hiện đại.
Xem thêm : Những đồ cần chuẩn bị khi lễ đền Hùng
Chùa Quán Sứ
Chùa Quán Sứ toạ lạc tại phố Quán Sứ không chỉ là ngôi chùa linh thiêng, thanh tịnh mà đây còn trụ sở trung tâm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trong dịp năm mới, rất đông người dân, Phật tử về đây để đi lễ cầu mong mình và gia đình gặp nhiều may mắn. Điều độc đáo ở ngôi chùa linh thiêng này là tại Gian Quan âm đang trưng bày pho tượng hoà thượng Thích Thanh Tứ, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với kích cỡ như người thật.
Chùa Quán Sứ cũng là một trong rất ít ngôi chùa ở Việt Nam mà tên chùa cũng như nhiều câu đối đều được viết bằng chữ quốc ngữ. Vào dịp đầu năm, các phật tử và khách tập phương thường đến chùa để cầu chúc sức khỏe, bình an, may mắn, vạn sự hanh thông cho bản thân và gia đình.
Phủ Tây Hồ
Nằm dọc một bờ hồ Tây, Phủ Tây Hồ mang vẻ đẹp yên bình, lặng lẽ, khói hương nghi ngút làm nên một bức tranh sơn thủy hữu tình tựa như chốn tiên cảnh. Phủ thờ Liễu Hạnh Công chúa – một trong bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng của người Việt, xưa kia đã ngang dọc một trời giúp nhân dân trừ gian diệt ác, an cư lập nghiệp, bảo vệ dân chúng khỏi những mối nguy hiểm đe dọa khôn lường.
Nơi đây được xem là một trong những chốn linh thiêng nhất ở Hà Nội, thu hút không chỉ những người dân nội thành, mà cả những du khách thập phương quanh năm đến dâng hương và cúng bái cầu may mắn, bình an
Đền Quán Thánh
Trấn Vũ Quán hay còn gọi là đền Quán Thánh, từ xưa đã nổi danh trấn Bắc trong “Thăng Long tứ trấn” của đất kinh kỳ. Đền Quán Thánh là nơi thờ Huyền Thiên Trấn Vũ – một vị thần trấn giữ hướng Bắc kinh thành Thăng Long.
Đền Quán Thánh ngày nay nằm ở ngã tư đường Thanh Niên và đường Quán Thánh, Hà Nội, trên đất phường Quán Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, phía Nam Hồ Tây và gần cửa Bắc Thành Hà Nội.
Không chỉ là một công trình có giá trị về mặt lịch sử và kiến trúc, đền Quán Thánh còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa nổi tiếng của người dân Hà Nội xưa và nay.
Chùa Kim Liên
Chùa Kim Liên nằm phía đông bắc Hồ Tây, thuộc làng Nghi Tàm, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội. Chùa có kiến trúc mang dáng vẻ cung đình. Toàn bộ cổng chùa được làm bằng gỗ, khá đồ sộ và chạm khắc công phu. Các hoa văn được khắc trên vì kèo, đầu cột, đầu mái chùa, chủ yếu là hình hổ phù, lá và hoa sen, hình rồng cách điệu, mây vờn… Đây là lối kiến trúc có từ thế kỷ 17 trở về trước và chỉ phổ biến ở Đàng Trong.
Toàn bộ cổng chùa được làm bằng gỗ, khá đồ sộ và chạm khắc công phu. Các hoa văn được khắc trên vì kèo, đầu cột, đầu mái chùa, chủ yếu là hình hổ phù, lá và hoa sen, hình rồng cách điệu, mây vờn. Vào những ngày lễ Tết, đầu xuân năm mới, người dân lại tìm đến đây để cầu bình an, may mắn vì thế đã từ lâu chùa được mọi người biết đến bởi sự linh thiêng, cầu may.
Đền Ngọc Sơn
Đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc và khu vực hồ Hoàn Kiếm là điểm đến không thể bỏ qua của bất kỳ du khách nào khi tới Thủ đô Hà Nội. Đây là nơi linh thiêng, khi xưa các sĩ tử Bắc Hà đến cầu xin việc học hành. Đền Ngọc Sơn nằm trong quần thể di tích Hồ Gươm đã được công nhận di tích lịch sử – văn hóa năm 1980.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Được coi là biểu tượng cho văn hóa, lịch sử Việt Nam với kiến trúc cổ tuyệt đẹp. Vào dịp đầu năm, Văn Miếu – Quốc Tử Giám thu hút rất đông người dân và du khách đến lễ đầu năm, xin may mắn trong học hành, thi cử và tham quan du xuân. Quốc Tử Giám là trường Quốc học cao cấp đầu tiên của Việt Nam. Ngày nay, phố ông đồ được tổ chức vào ngày Tết cũng là một lý do thu hút thêm nhiều du khách đến đây trong dịp đầu năm.
Chùa Hà
Chùa Hà có tên chữ là Thánh Đức tự, nằm tại quận Cầu Giấy, nổi tiếng về cầu tình duyên, được cho là “đi thì lẻ bóng, về thì có đôi”. Vào ngày rằm và mồng một hàng tháng là du khách thập phương lại đổ về chùa để lễ Phật. Đối với những trai chưa vợ, gái chưa chồng, họ đến chùa thành tâm khấn vái để xin tìm được một nửa của mình. Hay ngay cả những đôi bạn trẻ cũng đến đây để thề nguyền yêu nhau trọn đời trọn kiếp trước sự chứng giám của Đức Phật.
Chùa có khuôn viên rộng với không gian thanh tịnh tuyệt đối, đối lập hẳn với mọi sự ồn ào của phố xá Hà Nội phía bên ngoài. Bên cạnh chùa nổi tiếng về chuyện se duyên chùa Hà cũng là điểm đến của du khách để cầu một năm mới đầy tài lộc và sức khỏe.
Tổ đình Phúc Khánh
Chùa Phúc Khánh từ lâu đã là một địa chỉ tâm linh quen thuộc và nức tiếng linh thiêng đối với người dân Hà Nội. Ngay sau giờ phút giao thừa, rất đông người đã tới đây cầu may, hái lộc và xin quẻ cho một năm mới của bản thân và gia đình.
Chùa Phúc Khánh còn có tên gọi khác là chùa Sở, tọa lạc tại số 382 phố Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội. Chùa được xây dựng từ thời Hậu Lê nhưng qua nhiều cuộc chiến tranh, loạn lạc, chùa bị phá hủy hoàn toàn. Đến thời vua Quang Trung, chùa được xây dựng lại bởi nhà sư Chiếu Liên và đô đốc quân Tây Sơn là Trần Văn Lễ. Sau này, chùa còn được trùng tu nhiều lần, gần đây nhất là năm 1950, chùa được xây dựng lại với kiến trúc như hiện nay.
Chùa thường tổ chức nhiều khóa lễ lớn và khóa lễ lớn nhất là khóa lễ đầu năm “Đại lễ cầu an cả năm cho mọi gia đình” diễn ra vào tối 14 tháng Giêng âm lịch hàng năm người dân tới chùa rất đông thậm chí ngồi tràn cả ra đường.
Chùa Bà Đá
Chùa Bà Đá là một ngôi chùa cổ nằm ở số 3 phố Nhà Thờ, Hà Nội, gần hồ Hoàn Kiếm. Ngôi chùa được xây năm 1056 này còn có các tên: Linh Quang tự, Sùng Khánh tự. Tuy chỉ là một ngôi chùa nhỏ nhưng nơi đây có cảnh quan khá đẹp với nhiều bức tượng gỗ. Hiện nay chùa là trụ sở chính Thành hội Phật giáo Hà Nội. Người dân Hà Nội thường đi lễ đầu năm ở chùa Bà Đá để cầu xin may mắn và an lành cho bản thân và gia đình.
Đình La Khê
Đình La Khê (Đình Bia Bà) là di tích văn hóa ở làng La Khê, Phường La Khê, quậnHà Đông, thành phố Hà Nội. Cụm di tích này bao gồm Đình La Khê và chùa Diên Khánh.
Đây là ngôi đình được cho là xây dựng vào đầu thế kỷ 17 và được tu bổ lớn trong thế kỷ 18. Nơi đây rất linh thiêng nên hằng ngày có nhiều khách thập phương đến lễ cầu lộc. Vào đêm giao thừa, đình Bia Bà rất đông người dân đến lễ và xin lộc vào thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới.