Mục Lục
Dulichdongque.com chuyên cung cấp tour du lịch đền Hùng liên tục vào các tuần trong tháng để phục vụ khách hàng có nhu cầu đến đây tham quan tìm hiểu văn hóa lịch sử nơi đây. Mời các bạn đọc tìm hiểu các đền thờ chính tại đền Hùng Phú Thọ.
Quần thể khu di tích Đền Hùng được xây dựng trên núi Nghĩa Lĩnh bao gồm bốn đền, một chùa, Lăng Tổ.
Đền Thượng
(Kính Thiên lĩnh điện) được xây dựng trên nền cũ của ngôi miếu thờ thần núi, thần lúa, Thánh Gióng…, là nơi các vua Hùng thường tiến hành các nghi thức cầu khấn trời đất, mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cho muôn dân được ấm no, hạnh phúc.
Xem thêm : Những đồ cần chuẩn bị khi lễ đền Hùng
Có tài liệu cho rằng đền Thượng được xây dựng vào thế kỷ XV, hiện đền có ba gian, mái ngói đầu đao cong. Cửa đền có bức hoành phi: Nam Việt Triệu Tổ (Tổ muôn đời của nước Việt Nam), trong đền có bức đại tự: Tử Tôn Bảo Chi (Con cháu phải giữ gìn lấy). Ngoài ra còn có rất nhiều câu đối ca ngợi công đức của các bậc Thánh Tổ. Ban thờ trong đền có bài vị của 18 đời vua Hùng (Hùng đồ thập bát thế Thánh vương Thánh vị) và ba vị thần núi: Đột Ngột Cao Sơn (núi Nghĩa Lĩnh), Áp Sơn (núi Trọc), Viễn Sơn (núi Vặn), hai bên trước cửa đền là hai cột đá, tương truyền do An Dương Vương dựng lên, thề muôn đời gìn giữ giang sơn gấm vóc họ Hùng.
Lăng Tổ
(Hùng vương lăng), tương truyền là phần mộ của vua Hùng thứ sáu – Hùng Huy Vương.
Đền Trung
Truyền rằng xưa kia nơi đây là nơi dựng quán nghỉ ngơi, ngắm cảnh của các vua Hùng, vua cũng thường cùng Lạc hầu, Lạc tướng ngồi bàn việc nước; đây cũng là nơi Lang Liêu dâng lên bánh chưng, bánh dày và được truyền ngôi kế vị, trở thành vua Hùng thứ 7. Đền Trung xuất hiện sớm nhất, đến thế kỷ XV thì bị giặc ngoại xâm tàn phá, sau được xây dựng lại với kiến trúc kiểu chữ Nhất. Đền là nơi thờ các vua Hùng nên được gọi là : “Hùng Vương Tổ Miếu”
Đền Hạ
Tương truyền là nơi mẹ Âu Cơ trở dạ sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra trăm người con, tạo nên giòng dõi con Rồng cháu Tiên; hai tiếng đồng bào thiêng liêng cũng bắt nguồn từ đây. Đền được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ XVII – XVIII được làm hai lớp theo kiểu chữ Nhị; đây là nơi thờ phụng các vua Hùng.
- Chùa Thiên Quang Thiền Tự: Nằm bên phải đền Hạ, được xây dựng vào giữa thế kỷ XV. Kiến trúc ngày nay còn lại là phần tiền tế, gác chuông tám mái, xà, bẩy, chạm trổ đẹp đẽ mang dấu ấn thời Lê. Cạnh đó là cây thiên tuế khoảng 700 năm tuổi. Tương truyền khi mẫu Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, trên trời có làn mây sáng chiếu xuống. Về sau nhân dân dựng nên chùa tại đó gọi là Thiên Quang Thiền Tự (nơi có ánh sáng trên trời dọi xuống), ngoài ra chùa còn có tên khác là Sơn Cảnh Thừa Long Tự
Đền Giếng
Nằm dưới chân núi Nghĩa Lĩnh, được làm chùm lên giếng Ngọc, tương truyền nơi đây xưa kia hai con gái vua Hùng Duệ Vương là Tiên Dung và Ngọc Hoa thường đến soi bóng, chải tóc. Đền Giếng được xây dựng vào thế kỷ XVIII với ba nếp nhà song song, hai nhà oản hai bên.
Ngoài những kiến trúc kể trên, khu di tích Đền Hùng còn có cổng đền (xây dựng năm 1918), nhà công quán (xây dựng năm 1962), bảo tàng Hùng Vương (xây dựng xong năm 1993) và các công trình phụ trợ. Hiện nay Nhà nước đã có dự án lớn đầu tư vào việc tu bổ, tôn tạo và xây dựng hạ tầng tại khu di tích Đền Hùng và các xã phụ cận như Phù Ninh, Vân Phú, Kim Đức…trên một diện tích tự nhiên rộng 1.625 ha. Một số công việc đã được triển khai trong thực tế, tương lai nơi đây sẽ xây dựng công viên văn hóa thanh niên Hùng Vương, làng văn hóa Hùng Vương, các nhóm tượng đài, chuyển đền thờ Mẫu Âu Cơ từ xã Hiền Lương về núi Vặn phía tây bắc Đền Hùng, chuyển đền thờ Lạc Long Quân từ xã Bình Đà (Hà Tây) về núi Nỏn ở phía nam Đền Hùng. Tất cả các công trình này sẽ tái tạo những sinh hoạt văn hóa thời Hùng Vương, tạo thành một quần thể di tích lịch sử văn hóa Hùng Vương, đáp ứng nguyện vọng tâm linh của đồng bào và nhu cầu nghiên cứu, học tập, tìm hiểu về cội nguồn dân tộc.
Dulichdongque.com xin chia sẻ với các bạn những thông tin bổ ích mà các bạn nên biết khi du lịch đền Hùng.